Báo chí
Ngành vật liệu xây dựng với kinh tế tuần hoàn hướng tới mục tiêu phát thải bằng 0 vào năm 2050
Ngày 23/11/2022, tại Hà Nội, Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam phối hợp với Ban Tổ chức Triển lãm quốc tế xây dựng VIETBUILD tổ chức hội thảo “Ngành Vật liệu xây dựng với kinh tế tuần hoàn hướng tới mục tiêu phát thải bằng 0 vào năm 2050”. Đây là sự kiện nằm trong khuôn khổ Triển lãm Quốc tế xây dựng VIETBUILD Hà Nội lần thứ 3 (diễn ra từ ngày 23 - 27/11/2022)
Ông Phạm Văn Bắc- Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) trình bày Báo cáo thuyết minh tóm tắt Quy hoạch tại hội thảo
Tại hội thảo, ông Phạm Văn Bắc - Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) trình bày Báo cáo tóm tắt thuyết minh Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó nhấn mạnh, Quy hoạch này được xây dựng tuân thủ quy định của Luật Quy hoạch, Luật Khoáng sản 2010 và Quyết định số 131/QĐ-TTg ngày 17/1/2020 của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 215/QĐ-BXD ngày 8/5/2020 của Bộ Xây dựng.
Báo cáo đã tổng hợp, phân tích các điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội các vùng có phân bố khoáng sản làm vật liệu xây dựng; căn cứ pháp lý để lập quy hoạch; đánh giá tác động của hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng tới các lĩnh vực kinh tế xã hội; dự báo bối cảnh phát triển quốc gia, các ngành, địa phương và dự báo nhu cầu sử dụng tài nguyên khoáng sản làm vật liệu xây dựng cho phát triển trong kỳ quy hoạch; đánh giá tài nguyên - trữ lượng, thực trạng công tác thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng, nhân lực, công nghệ, thiết bị trong khai thác, chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng, kết quả thực hiện các mục tiêu của quy hoạch kỳ trước làm cơ sở đề xuất các nhiệm vụ trong kỳ quy hoạch mới.
Bên cạnh đó, Báo cáo nêu rõ các quan điểm chỉ đạo; mục tiêu, nhiệm vụ của Quy hoạch cho thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050 nhằm định hướng các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản, xây dựng các nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng gắn với nguồn nguyên liệu; góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp vật liệu xây dựng phát triển, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa của đất nước.
Theo ông Phạm Văn Bắc, Quy hoạch đã đưa ra các nhóm giải pháp tổ chức thực hiện; trong đó, các giải pháp về tăng cường nguồn lực, đầu tư đổi mới thiết bị công nghệ và tổ chức thực hiện quy hoạch là những yếu tố quan trọng đảm bảo phát triển ngành công nghiệp vật liệu xây dựng bền vững, đảm bảo chất lượng, hiệu quả của quy hoạch, đảm bảo cho quá trình quản lý.
Cùng với Báo cáo tóm tắt thuyết minh Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, các diễn giả, đại biểu khách mời còn trình bày nhiều tham luận liên quan đến các lĩnh vực quản lý, nghiên cứu, sản xuất vật liệu xây dựng, như: các kết quả bước đầu trong việc sử dụng chất thải công nghiệp và sinh hoạt làm nguyên, nhiên liệu thay thế trong sản xuất xi măng tại VICEM; hạt thủy tinh xốp, các tấm ốp trần, tường, sàn mái cách nhiệt, cách âm, tiêu âm và chống cháy...
Toàn cảnh hội thảo
Theo PGS.TS. Phạm Xuân Yên - nguyên giảng viên cao cấp Khoa Silicat Đại học Bách khoa Hà Nội, để góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050, việc tái sử dụng chất thải công nghiệp làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng (trong đó có gạch tuynel bằng công nghệ mới thân thiện với môi trường) cần được quan tâm, khuyến khích. Hiện nay, các doanh nghiệp sản xuất gạch tuynel đã áp dụng nhiều công nghệ sản xuất hiện đại có thể sử dụng được các nguyên liệu là chất thải của một số ngành công nghiệp khác (sử dụng xỉ nhiệt điện, tro bay, xít than, chất thải của các mỏ đất, chất thải tái chế, vật liệu thải bỏ của công trình xây dựng…). Hơn nữa, công nghệ nung lò tuynel và lò xoay đã giúp cho việc tăng công suất, nâng cao chất lượng, giảm ô nhiễm môi trường.
Tại hội thảo, các đại biểu cũng cùng trao đổi, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất, sử dụng vật liệu xây dựng và các lĩnh vực liên quan khác, hướng đến sự phát triển bền vững của ngành Vật liệu xây dựng Việt Nam.
Nguồn: Internet